Vinh quy bái tổ là câu nói chỉ tục lệ những người sau khi đạt được công danh, vinh hiển, vẻ vang thì có hành trình trở về quê hương bái kiến tổ tiên, ra mắt họ hàng làng xóm, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ về nguồn cội của mình, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đi trước, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, hàng xóm, láng giềng, và mảnh đất đã sinh thành ra mình, cho mình lớn lên từ những ngày còn thơ ấu.
Dịch nghĩa từng từ:
Vinh: vinh quang, vinh dự, vẻ vang. Ví dụ: Hiển vinh có nghĩa là đã đạt được vinh quang và được mọi người công nhận.
Quy: Trở về, ví dụ: quy tụ, quy hồi.
Bái: lạy, vái, bái kiến, thể hiện sự tôn kính.
Tổ: Tổ tiên, các thế hệ đi trước.
Tục lệ Vinh quy bái tổ đã có từ thời xưa, khi các học trò thi đỗ đạt cao nơi chốn kinh kỳ (đỗ tú tài, đỗ cử nhân, trạng nguyên, v.v..) thì sau đó sẽ có hành trình trở về quê để bái kiến tổ tiên, ra mắt họ hàng làng xóm.
Theo tục lệ Vinh Quy Bái Tổ thì Đậu Tú tài được hàng xã đón rước, đậu Cử nhân được hàng tổng đón rước, đậu Đại khoa (từ Phó bảng trở lên) được hàng huyện đón rước. Sau khi thi, kết quả sẽ được người trong triều tới báo tin về làng và làng cử ngay người đến gặp vị Tân Khoa để xin ấn định ngày Vinh Quy Bái Tổ. Vị Tân Khoa khi trở về làng được Vua ban cho rất nhiều thứ từ yến tiệc, mũ áo, cân đai và những phúc lợi tiền bạc khác. Người trở về làng được đám đông đón rước rất long trọng và có trống đánh hiệu dọc đường. Thứ tự đoàn rước Vinh Quy Bái Tổ theo thứ tự gồm có cờ quạt, đến cờ biển vua ban, tiếp đó là trạng nguyên cưỡi ngựa lọng che trên đầu cùng bốn lính hầu cầm quạt vây quanh. Nếu vị tân khoa đã có vợ thì người vợ cũng được đón rước bằng lọng, trong nhiều đám rước Vinh Quy Bái Tổ còn có mặt của người thầy dạy và cha mẹ của vị đó.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.